Thủ tục đăng ký mua điện

1196

Đăng ký mua điện đối với lưới điện hạ áp

a) Khách hàng có thể đăng ký mua điện theo các phương thức như sau:

–   Khách hàng trực tiếp đến trụ sở giao dịch của điện lực khu vực để đăng ký mua điện

–   Khách hàng có thể đăng ký mua điện qua điện thoại, email hoặc qua trang thông tin điện tử của điện lực khu vực

Khách hàng chỉ nên liên hệ với nhân viên tiếp khách hàng tại phòng giao dịch khách hàng Công ty điện lực hoặc các đội quản lý khách hàng khu vực, không liên hệ với những người bên ngoài hoặc không có trách nhiệm được giao trong việc lắp mới công tơ.

b) Các giấy tờ liên quan đến khách hàng và địa điểm mua điện yêu cầu phải là bản sao có chứng thực hoặc công chứng. Trường hợp khách hàng trực tiếp đến làm thủ tục tại trụ sở giao dịch của điện lực khu vực thì có thể mang theo bản chính để nhân viên điện lực đối chiếu với bản photocopy và trả lại ngay bản chính cho khách hàng.

Thủ tục đăng ký

Mua điện phục vụ chính cho mục đích sinh hoạt

a) Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 02 giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị mua điện

2. Một trong các giấy tờ có liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

– Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú;

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở);

– Hợp đồng thuê nhà.

Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện thì Giấy đề nghị mua điện có xác nhận của UBND phường, xã tại nơi đề nghị mua điện.

b) Đối với khách hàng thay mặt cho khu tập thể, cụm dân cư, hồ sơ có thêm giấy ủy quyền hợp pháp của các hộ sử dụng điện chung trong khu tập thể, cụm dân cư (có chữ ký của các hộ và công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc xác nhận của UBND phường, xã nơi đăng ký mua điện).

c) Đối với khách hàng đang sử dụng điện chung với công tơ của khách hàng khác, có nhu cầu tách mới (ký HĐMBĐ trực tiếp với Đơn vị Điện lực), hồ sơ có thêm:

– Sổ hộ khẩu của hộ tách mới (bản sao có chứng thực hoặc công chứng);

– Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ HĐMBĐ đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ HĐMBĐ đang dùng chung.

Mua điện phục vụ cho mục đích ngoài sinh hoạt

a) Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 04 giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị hoặc công văn đề nghị mua điện

2. Bảng kê thiết bị điện, chế độ và công suất sử dụng điện.

3. Một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

        – Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

– Hợp đồng thuê đất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Một trong các giấy tờ liên quan đến khách hàng mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;

– Giấy phép đầu tư;

– Quyết định thành lập đơn vị.

Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện hoặc liên quan đến khách hàng thì có Giấy xác nhận của cơ quan quản lý của cấp có thẩm quyền hay chính quyền địa phương tại nơi đăng ký mua điện.

b) Đối với khách hàng mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công suất đăng ký sử dụng cực đại từ 40kW trở lên, hồ sơ có thêm biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện.

c) Đối với khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Mua điện ngắn hạn 

Đối với khách hàng mua điện không mang tính chất sử dụng lâu dài, bên bán điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện ngắn hạn, thời hạn không quá 03 tháng. Nếu đến thời hạn, mà khách hàng không làm thủ tục gia hạn thì bên bán điện sẽ thanh lý và chấm dứt hợp đồng.

Khi đăng ký mua điện ngắn hạn khách hàng cần có giấy bảo lãnh của Ngân hàng hoặc tiền đặt cọc bằng 1,5 tháng hoặc số ngày tiêu thụ điện, đồng thời cần có 02 giấy tờ sau:

– Giấy đề nghị mua điện hoặc Công văn đề nghị mua điện;

– Một trong các giấy tờ (bản sao có chứng thực hoặc công chứng): Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập, trường hợp không có một trong giấy tờ này thì có Giấy xác nhận của cơ quan quản lý của cấp có thẩm quyền hay chính quyền địa phương tại nơi đăng ký mua điện.

Chi phí

a) Các khoản chi phí do bên bán điện đầu tư:
–   TI (trừ trường hợp có thỏa thuận khác); công tơ; thiết bị bảo vệ sau công tơ (áp tô mát hoặc cầu chì…); hộp công tơ; phụ kiện để treo công tơ; dây dẫn điện đến công tơ (dây dẫn, xà, sứ, ghíp…);-   Chi phí nhân công để lắp đặt từ lưới phân phối hạ áp đến công tơ và thiết bị bảo vệ sau công tơ;

–   Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nước.

b) Các khoản chi phí do khách hàng thanh toán thông qua dịch vụ (nếu có), gồm:

–   Vật tư và nhân công để lắp đặt dây sau công tơ (trừ áp tô mát hoặc cầu chì sau công tơ);

–  Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nướ

Qui trình giải quyết thủ tục mua bán điện

Khách hàng có nhu cầu mua điện -> Đăng ký nghiệp vụ -> Khảo sát hiện trường -> Xác định phương án cấp điện -> Thu phí (nếu có) -> Phê duyệt -> Thiết kế -> Thi công, lắp công tơ -> Ký hợp đồng mua bán điệnToàn bộ quy trình do bên bán điện chủ động thực hiện, khách hàng nộp đủ giấy tờ và tiền (nếu có) theo quy định và phối hợp với bên bán điện trong quá trình thực hiện.

Thời hạn cấp điện cho khách hàng

a) Đối với khách hàng mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt (qua công tơ điện 1 pha hoặc công tơ điện 3 pha), khách hàng mua điện phục vụ ngoài mục đích sinh hoạt (qua công tơ điện 1 pha): 07 ngày làm việc kể từ khi khách hàng đã đủ các điều kiện theo quy định.b) Đối với khách hàng mua điện phục vụ ngoài mục đích sinh hoạt (qua công tơ điện 3 pha): 10 ngày làm việc kể từ khi khách hàng đã đủ các điều kiện theo quy định và lưới điện hạ áp không quá tải.

c) Trường hợp chưa đủ điều kiện bán điện do chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải, bên bán điện trả lời khách hàng trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Báo sửa chữa điện

1. Những việc khách hàng cần thực hiện trước khi báo sửa chữa:

Khi mất điện, trước tiên khách hàng cần kiểm tra xem khu vực lân cận có điện không, phạm vi mất điện là điểm hay diện rộng.

–   Nếu khu vực lân cận đều mất điện: Có thể bị sự cố hoặc ngừng cấp điện theo kế hoạch. Khách hàng gọi điện theo số điện thoại báo sửa chữa điện của điện lực khu vực để biết thông tin.

–   Nếu chỉ có khách hàng mất điện, các nhà xung quanh đều có điện cần kiểm tra áp-tô- mát (cầu chì) tổng có điện không. Nếu không có điện cần báo cho điện lực khu vực đến sửa chữa.

Điện lực khu vực sẽ tiến hành sửa chữa sự cố trong vòng 02 giờ. Tuy nhiên do yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn điện, quá trình sửa chữa phải tiến hành theo đúng quy trình thao tác kỹ thuật. Tình hình sự cố cũng như các nguyên nhân gây nên sự cố đường dây điện, thiết bị điện phức tạp và muôn hình vạn trạng. Sau khi nhân viên sửa chữa đến hiện trường căn cứ tình hình cụ thể tìm nguyên nhân mới tiến hành công tác sửa chữa. Có trường hợp phải thay thế thiết bị và huy động nhiều nhân lực để sửa chữa, đảm bảo cấp điện nhanh nhất. Cho nên thời gian sửa chữa có thể kéo dài hơn.

2. Các thông tin khách hàng cần cung cấp:

–   Tên người báo sửa chữa, điện thoại liên lạc

–   Địa điểm sự cố hoặc địa danh phụ cận

–   Phạm vi mất điện

–   Hiện tượng sự cố (nếu có): cháy, bốc khói, đứt dây…

Kiểm tra công tơ

1. Trách nhiệm bảo vệ công tơ

Khách hàng có trách nhiệm bảo vệ công tơ điện đặt trong phạm vi quản lý của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Trường hợp công tơ điện bị mất phải bồi thường, làm hư hỏng phải chịu chi phí cho việc sửa chữa, kiểm định.

Không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác, phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển.

2. Yêu cầu kiểm tra

–   Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, khách hàng có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng, Bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong.

–  Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, khách hàng có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định.

3. Chi phí cho việc kiểm định thiết bị đo đếm điện  

–   Khách hàng phải trả phí kiểm định trong trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam

–   Bên bán điện phải trả phí kiểm định trong trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng Tiêu chuẩn Việt Nam.

4.  Thanh toán tiền điện

4.1. Trường hợp thiết bị đo đếm không chính xác

a) Nếu xác định được thời gian thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện năng thực tế đã thu vượt hoặc được truy thu tiền điện năng còn thiếu của khách hàng;

b) Nếu không xác định được thời gian thiết bị đo đếm điện chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện đã thu vượt trội của khách hàng theo thời hạn tính toán là 01 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện không bao gồm kỳ đang sử dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số.

4.2. Trường hợp thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động

Trường hợp khách hàng sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động, tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của 03 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện. Số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ thời điểm công tơ ngừng hoạt động được lưu lại trong bộ nhớ của công tơ điện hoặc từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất trong trường hợp công tơ điện không lưu lại được thời điểm ngừng hoạt động đến ngày hệ thống thiết bị đo đếm điện được phục hồi hoạt động.

4.3. Trường hợp công tơ điện bị mất

Trường hợp khách hàng sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất thì tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của 03 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện, số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất đến ngày công tơ điện được lắp đặt và hoạt động trở lại.

Thay đổi dùng điện

 

1. Sang tên hợp đồng

Khách hàng có nhu cầu sang tên hợp đồng mua bán điện cần có giấy đề nghị và có ý kiến đồng ý của chủ hợp đồng cũ và có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu của khách hàng tại nơi mua điện.

Trường hợp chủ cũ còn nợ tiền điện thì khách hàng phải có cam kết chịu trách nhiệm thanh toán số tiền còn nợ.

Bên sử dụng điện mới có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để kiểm tra hệ thống đo đếm điện sau khi tiếp nhận địa điểm sử dụng điện đã có thiết bị đo đếm điện. Trong thời gian chưa thông báo cho bên bán điện, bên sử dụng điện phải chịu trách nhiệm về hệ thống đo đếm điện đã tiếp nhận. Bên bán điện có trách nhiệm tiếp tục cung cấp điện, kiểm tra hệ thống đo đếm điện và ký hợp đồng mua bán điện khi bên sử dụng điện mới đáp ứng đủ điều kiện.

 

2. Thay đổi vị trí hệ thống đo đếm

Khách hàng có nhu cầu thay đổi vị trí hệ thống đo đếm điện (thay đổi cấp điện áp mua điện, thay đổi vị trí đặt hệ thống đo đếm…), toàn bộ chi phí để thay đổi vị trí hệ thống đo đếm điện do khách hàng thanh toán (trừ công tơ). Nếu bên bán điện cần thay đổi vị trí hệ thống đo đếm điện, toàn bộ chi phí sẽ do bên bán đầu tư.

3. Ngừng dùng điện

Khi khách hàng không dùng điện nữa cần báo cho bên bán điện để làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Thủ tục thanh lý hợp đồng được thực hiện sau khi khách hàng đã thanh toán hết các khoản nợ đã cam kết trong hợp đồng.

Bên bán điện đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

–   Khách hàng không sử dụng điện quá 6 tháng mà không thông báo cho bên bán điệ

–   Khách hàng mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt đã sang tên bán nhà cho chủ mới, đã thanh toán hết các khoản nợ và Bên bán điện, Bên mua điện không có ý kiến khác bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày đã thanh toán hết nợ.

Tạm ngừng cấp điện

1. Quy định  
a) Bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau:

+ Không khẩn cấp

–   Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hòa, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch.

–   Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.

–   Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.

+ Khẩn cấp

–   Do có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được.

–   Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện.

–   Do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện.

–   Do sự kiện bất khả kháng.

+  Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện

b)Trong trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho khách hàng biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày.

2. Mức phí ngừng và cấp điện trở lại (chưa bao gồm thuế GTGT)

Đơn vị: 1.000 đồng

Từ 0,4 kV trở xuống Trên 0,4 kV đến 35 kV Trên 35 kV
I. Mức chi phí ngừng và cấp điện cơ sở (M) 81 222 344
II. Đồng bằng
1. Hộ sinh hoạt 81 222 344
2. Khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và tổ chức cá nhân yêu cầu ngừng cấp điện
a) Mức cơ bản (đến 5km) 81 222 344
b) Trên 5km đến 10km 93 253 392
c) Trên 10km đến 20km 104 284 440
d) Trên 20km đến 30km 115 315 489
đ) Trên 30km đến 50km 127 346 537
e) Trên 50km 138 377 585
III. Miền núi
1. Hộ sinh hoạt 81 222 344
2. Khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và tổ chức cá nhân yêu cầu ngừng cấp điện
a) Mức cơ bản (đến 5km) 93 255 396
b) Trên 5km đến 10km 106 290 451
c) Trên 10km đến 20km 120 326 507
d) Trên 20km đến 30km 133 362 562
đ) Trên 30km đến 50km 146 398 617
e) Trên 50km 159 433 673

Tra cứu trực tuyến
Khách hàng có thể tra cứu một số thông tin chi tiết trên trang web của TCTĐL/CTĐL ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng như sau:

– Lịch tạm ngừng cấp điện

– Tiền điện hàng tháng

– Số điện thoại báo sửa chữa điện

– Hình thức thanh toán, địa điểm thu tiền

Click vào đây để link đến trang danh sách các đơn vị chăm sóc khách hàng dùng điện

Biểu giá bán lẻ điện

a) Các ngành sản xuất

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1.1 Cấp điện áp từ 110 kV trở lên  
  a) Giờ bình thường 1.536
  b) Giờ thấp điểm 970
  c) Giờ cao điểm 2.759
1.2 Cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV  
  a) Giờ bình thường 1.555
  b) Giờ thấp điểm 1.007
  c) Giờ cao điểm 2.871
1.3 Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV  
  a) Giờ bình thường 1.611
  b) Giờ thấp điểm 1.044
  c) Giờ cao điểm 2.964
1.4 Cấp điện áp dưới 6 kV  
  a) Giờ bình thường 1.685
  b) Giờ thấp điểm 1.100
  c) Giờ cao điểm 3.076

Khách hàng mua điện tại cấp điện áp 20kV được tính theo giá tại cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV.

b) Khối hành chính, sự nghiệp 

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông  
  Cấp điện áp từ 6 kV trở lên 1.659
  Cấp điện áp dưới 6 kV 1.771
2 Chiếu sáng công cộng; đơn vị hành chính sự nghiệp  
  Cấp điện áp từ 6 kV trở lên 1.827
  Cấp điện áp dưới 6 kV 1.902

 

c) Kinh doanh

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Cấp điện áp từ 22 kV trở lên  
  a) Giờ bình thường 2.442
  b) Giờ thấp điểm 1.361
  c) Giờ cao điểm 4.251
2 Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV  
  a) Giờ bình thường 2.629
  b) Giờ thấp điểm 1.547
  c) Giờ cao điểm 4.400
3 Cấp điện áp dưới 6 kV  
  a) Giờ bình thường 2.666
  b) Giờ thấp điểm 1.622
  c) Giờ cao điểm 4.587

 

d) Sinh hoạt

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Giá bán lẻ điện sinh hoạt  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.678
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.734
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 2.014
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.536
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.834
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.927
2 Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước 2.461

Đối với sinh viên và người lao động thuê nhà để ở:

– Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

– Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn; cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Biểu giá bán buôn điện

1. Nông thôn

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Sinh hoạt  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.403
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.459
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.590
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 1.971
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.231
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.323
2 Mục đích khác 1.473

 

2. Khu tập thể, cụm dân cư  

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Thành phố, thị xã  
1.1 Sinh hoạt  
1.1.1 Trạm biến áp do Bên bán điện đầu tư  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.568
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.624
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.839
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.327
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.625
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.713
1.1.2 Trạm biến áp do Bên mua điện đầu tư  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.545
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.601
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.786
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.257
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.538
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.652
1.2 Mục đích khác 1.485
2 Thị trấn, huyện lỵ  
2.1 Sinh hoạt  
2.1.1 Trạm biến áp do Bên bán điện đầu tư  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.514
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.570
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.747
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.210
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.486
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.569
2.1.2 Trạm biến áp do Bên mua điện đầu tư  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.491
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.547
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.708
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.119
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.399
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.480
2.2 Mục đích khác 1.485

 

3. Giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Giá bán buôn điện sinh hoạt  
  Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 1.646
  Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 1.701
  Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 1.976
  Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 2.487
  Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 2.780
  Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.871
2 Giá bán buôn điện cho mục đích khác  
  a) Giờ bình thường 2.528
  b) Giờ thấp điểm 1.538
  c) Giờ cao điểm 4.349

 

4. Khu công nghiệp

TT Nhóm đối tượng khách hàng Giá bán điện

(đồng/kWh)

1 Giá bán buôn điện tại thanh cái 110 kV của trạm biến áp 110 kV/35-22-10-6 kV  
1.1 Tổng công suất đặt các MBA của trạm biến áp lớn hơn 100 MVA  
  a) Giờ bình thường 1.480
  b) Giờ thấp điểm 945
  c) Giờ cao điểm 2.702
1.2 Tổng công suất đặt các MBA của trạm biến áp từ 50 MVA đến 100 MVA  
  a) Giờ bình thường 1.474
  b) Giờ thấp điểm 917
  c) Giờ cao điểm 2.689
1.3 Tổng công suất đặt các MBA của trạm biến áp dưới 50 MVA  
  a) Giờ bình thường 1.466
  b) Giờ thấp điểm 914
  c) Giờ cao điểm 2.673
2 Giá bán buôn điện phía trung áp của trạm biến áp 110/35-22-10-6 kV  
2.1 Cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV  
  a) Giờ bình thường 1.526
  b) Giờ thấp điểm 989
  c) Giờ cao điểm 2.817
2.2 Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV  
  a) Giờ bình thường 1.581
  b) Giờ thấp điểm 1.024
  c) Giờ cao điểm 2.908

5. Giá bán buôn điện cho chợ: 2.383 đ/kWh

Giá bán điện theo hình thức ba giá

1. Quy định về giờ: 

a) Giờ bình thường

Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy

– Từ 04 giờ 00 đến 9 giờ 30 (05 giờ và 30 phút);

– Từ 11 giờ 30 đến 17 giờ 00 (05 giờ và 30 phút);

– Từ 20 giờ 00 đến 22 giờ 00 (02 giờ).

Ngày Chủ nhật

Từ 04 giờ 00 đến 22 giờ 00 (18 giờ).

b) Giờ cao điểm

Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy

– Từ 09 giờ 30 đến 11 giờ 30 (02 giờ);

– Từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00 (03 giờ).

Ngày Chủ nhật: không có giờ cao điểm.

c) Giờ thấp điểm:

Tất cả các ngày trong tuần: từ 22 giờ 00 đến 04 giờ 00 sáng ngày hôm sau (06 giờ).

2. Đối tượng mua điện theo hình thức ba giá:

a) Khách hàng sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được cấp điện qua máy biến áp chuyên dùng từ 25 kVA trở lên hoặc có sản lượng điện sử dụng trung bình ba tháng liên tục từ 2.000 kWh/tháng trở lên;

b) Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp;

c) Đơn vị mua điện để bán lẻ điện ngoài mục đích sinh hoạt tại tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt;

Giá điện cho hộ nghèo, thu nhập thấp

–  Đối tượng: Các hộ nghèo, hộ chính sách theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định

–  Mức hỗ trợ: tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

–  Hình thức chi trả: UBND cấp xã thực hiện chi trả cho hộ nghèo trên địa bàn theo định kỳ 1 quý 1 lần.

Xử lý vi phạm trộm cắp điện

1. Hành vi thuộc loại trộm cắp điện

– Tự tiện nối dây lấy điện trên hệ thống điện

– Dùng điện không qua công tơ

– Cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện

– Dùng phương thức thay đổi dây nối dẫn đến công tơ ghi không chuẩn hoặc không ghi để dùng điện

– Tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện

– Áp dụng các phương thức, phương pháp khác để lấy cắp điện.

2. Quy định của pháp luật xử lý hành vi trộm cắp điện

– Cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện dưới 20.000 kWh phải bồi thường và bị phạt tiền theo quy định

– Cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện trên 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Công thức xác định tiền bồi thường

T  =  ABT x g   = (A SD –  A HĐ)  x g

T: Tiền bồi thường (đồng);

ABT: Sản lượng điện năng phải bồi thường (kWh);

A SD: Sản lượng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian vi phạm (kWh);

A HĐ: Sản lượng điện năng được thể hiện trên hoá đơn thanh toán tiền điện trong thời gian vi phạm (kWh);

g: Giá điện (đ/kWh) để tính bồi thường, được tính theo mức giá cao nhất đối với mục đích sử dụng điện thực tế theo biểu giá điện áp dụng tại thời điểm phát hiện.

Trường hợp bên được kiểm tra có hành vi trộm cắp điện để sử dụng cho nhiều mục đích, giá điện để tính tiền bồi thường được xác định căn cứ theo mức giá cao nhất của biểu giá điện trong các mục đích sử dụng của bên được kiểm tra.

4. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng (A SD):

4.1. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng theo sai số được kiểm định của công tơ điện

Trường hợp bên vi phạm dùng cách thức duy nhất là can thiệp làm sai số công tơ để trộm cắp điện và sai số này xác định được thông qua việc kiểm định, sản lượng điện năng sử dụng được tính căn cứ vào trị số sai số cao nhất của công tơ điện do cơ quan kiểm định độc lập xác định và áp dụng theo công thức sau:

s: Sai số lớn nhất trong các giá trị kiểm định của công tơ điện (tính theo %);

A bqn: Sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng bình quân ngày của kỳ hoá đơn có sản lượng điện năng bình quân ngày cao nhất trong khoảng thời gian vi phạm.

Trường hợp không xác định được thời điểm vi phạm, khoảng thời gian vi phạm được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện nhưng không quá 12 tháng.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

4.2. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng đối với các cách thức trộm cắp điện khác hoặc không áp dụng được phương pháp quy định tại điểm a khoản này

* Bước 1: Xác định công suất

Căn cứ thực tế kiểm tra để xác định trị số công suất cao nhất trong các trị số công suất có thể xác định được bằng các cách sau:

Cách 1: Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Cách 2: Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

Cách 3: Công suất của các thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

Cách 4: Công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo).

* Bước 2: Xác định sản lượng

– Trường hợp xác định công suất theo cách 1 hoặc cách 2, áp dụng công thức tính sản lượng điện năng sử dụng sau:

ASD = P x ttb x n

Trong đó:

P: Công suất tổng (kW) đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm hoặc công suất cao nhất (kW) trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

ttb: Thời gian sử dụng bình quân trong ngày của toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện (h/ngày) được xác định căn cứ vào Biên bản kiểm tra hoặc biểu đồ phụ tải đã đăng ký, nếu không xác định được thì áp dụng quy định tại mục 10 Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư này.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày)

– Trường hợp xác định công suất theo cách 3 hoặc cách 4, áp dụng công thức tính sản lượng điện năng sau:

ASD   = (P1 x t1 + P2 x t2 +….+ Pi x ti ) x  n

Trong đó:

P1, P2, …Pi : Công suất (kW) của từng thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc công suất (kW) của từng thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản kiểm tra.

t1, t2, …ti: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (h/ngày), được xác định căn cứ vào Biên bản kiểm tra; nếu không xác định được thì áp dụng mức trung bình cho sinh hoạt gia đình: 6 h/ngày; Kinh doanh dịch vụ: 12 h/ngày; Cơ quan hành chính: 8 h/ngày; Sản xuất 1 ca: 8 h/ngày; Sản xuất 2 ca: 16 h/ngày; Sản xuất 3 ca: 24 h/ngày

n: Số ngày tính bồi thường (ngày)

– Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện sinh hoạt có thể áp dụng cách tính căn cứ vào hóa đơn tiền điện theo công thức:

ASD   = Abqn x n

Trong đó:

Abqn : sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng bình quân ngày của kỳ hoá đơn có sản lượng điện năng bình quân ngày cao nhất trong khoảng thời gian 12 tháng liền kề trước đó.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

4.3. Số ngày tính bồi thường (n) quy định tại khoản 2 Điều này được xác định như sau:

a) Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến khi phát hiện, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

b) Trường hợp không xác định được theo quy định tại điểm a Khoản này, số ngày tính bồi thường được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá 12 tháng, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

c) Đối với trường hợp trộm cắp điện bằng hình thức dùng nam châm, câu móc trực tiếp, số ngày tính bồi thường là 12 tháng, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do.

4.4. Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm phải chịu chi phí để sửa chữa, kiểm định hiệu chuẩn hoặc bồi hoàn giá trị của thiết bị, hệ thống đo đếm bị hư hại do hành vi vi phạm gây ra.

5. Tiền phạt

Lượng điện trộm cắp (kWh) Tiền phạt (triệu đồng)
Dưới 1.000 Từ 2 đến 5
Từ 1.000 đến dưới 2.000 Từ 5 đến 10
Từ 2.000 đến dưới 4.500 Từ 10 đến 15
Từ 4.500 đến dưới 6.000 Từ 15 đến 20
Từ 6.000 đến dưới 8.500 Từ 20 đến 25
Từ 8.500 đến dưới 11.00 Từ 25 đến 30
Từ 11.000 đến dưới 13.500 Từ 30 đến 35
Từ 13.500 đến dưới 16.000 Từ 35 đến 40
Từ 16.000 đến dưới 18.000 Từ 40 đến 45
Từ 18.000 đến dưới 20.000 Từ 45 đến 50

Vi phạm thời hạn thanh toán

– Khách hàng có trách nhiệm thanh toán tiền điện hàng tháng cho bên bán điện theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

– Quá thời hạn trên mà chưa thanh toán, khách hàng phải trả thêm cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho bên bán điện. Tiền lãi được tính bằng số tiền chậm trả nhân với mức lãi suất ghi trong hợp đồng mua bán điện tại thời điểm thanh toán và nhân với số ngày chậm trả, tính từ ngày phải thanh toán đến ngày khách hàng thanh toán.

– Trong trường hợp khách hàng không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 02 lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho khách hàng trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

– Việc cấp điện trở lại chỉ tiến hành sau khi khách hàng đã thanh toán đầy đủ tiền điện, tiền lãi do chậm trả và chi phí ngừng và cấp điện trở lại.

Xử lý một số vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện;

b) Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện; vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện;

b) Không thông báo cho bên bán điện biết trước 15 ngày khi có nhu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán điện đối với trường hợp mua điện để phục vụ các mục đích khác ngoài mục đích sinh hoạt.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu; khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện, vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây);

b) Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.

6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi của khách hàng sử dụng điện lớn sau đây:

a) Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo đúng mức yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia trong trường hợp hệ thống bị hạn chế công suất; không có biện pháp đảm bảo tiêu chuẩn điện áp đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện;

b) Sử dụng trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối không đáp ứng các tiêu chuẩn, (quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn về an toàn điện để đấu nối vào lưới điện quốc gia;

c) Không thực hiện các lệnh thao tác của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;

d) Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng.

Xem thêm:

Thủ tục, hồ sơ cần có để xin lắp công tơ điện

Đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Đăng ký mua điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt

Đăng ký mua điện ngắn hạn( không quá 12 tháng phục vụ ngoài mục đích sinh hoạt)

Mẫu đơn xin lắp công tơ điện

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————-

Hà Nội, ngày……tháng……năm 2018

ĐƠN XIN LẮP CÔNG TƠ ĐIỆN

 Kính gửi: – Chi nhánh điện lực Phường…………Thành phố Hà Nội

– UBND phường………Quận……………….Thành phố Hà Nội

Tôi là:…………………….. Sinh năm ………………..

CMND số: …………………….. Ngày cấp ………….. Nơi Cấp………………….

Hiện đang sinh sống tại địa chỉ………………. Thuộc hộ ông/bà (nếu có) ……………..

Lời đầu tiên xin gửi tới Quý cơ quan lời chào trân trọng. Bằng Đơn này chúng tôi xin được trình bày và đề nghị với Quý cơ quan một việc như sau:

Trước đây hộ ông/bà …………….. đã được lắp công tơ điện và chúng tôi sử dụng chung công tơ điện này. Tuy nhiên do việc sử dụng chung phát sinh nhiều vấn đề rắc rối nên tôi mong muốn được lắp riêng cho hộ mình 01 công tơ điện riêng độc lập. Mọi chi phí và các hậu quả phát sinh, tôi xin cam kết chịu trách nhiệm.

Kính mong quý cơ quan vì quyền và những lợi ích hợp pháp của người dân để quan tâm và xử lý sớm nhất có thể.

Tôi xin chân thành cám ơn!

Hà Nội, ngày…… tháng…..Năm 2018

Xác nhận của UBND phường………..                                                                   Người làm đơn

Chi phí lắp công tơ điện

Các khoản chi phí do đơn vị cung cấp điện

  • Chi phí công tơ
  • Thiết bị bảo vệ sau công tơ (áp tô mát hoặc cầu chì…)
  • Hộp công tơ
  • Phụ kiện để treo công tơ
  • Dây dẫn điện đến công tơ (dây dẫn, xà, sứ…)
  • Chi phí thuê lắp đặt từ lưới phân phối hạ áp đến công tơ và các thiết bị bảo vệ sau công tơ
  • Thuế phí và các chi phí khác theo quy định của nhà nước.

Các khoản chi phí do khách hàng (nếu có)

  • Vật tư và nhân công để lắp đặt dây sau công tơ (trừ áp tô mát hoặc cầu chì sau công tơ)
  • Thuế và các khoản chi phí khác theo quy định của nhà nước.

Trên đây là tổng hợp các thông tin về thủ tục, cách thức, chi phí và cách để viết đơn xin lắp công tơ điệnhạ thế. Hi vọng qua bài viết trên sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin cần thiết khi lắp đặt công tơ điện mới cho gia đình.