Thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất hoá chất

753

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN

1. Cơ sở pháp lý

– Luật Hoá chất Quốc hội ban hành số 06/2007/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2008;

– Nghị định số 108/2008/NĐ – CP do Chính phủ ban hành “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Hoá chất” có hiệu lực từ ngày 05/11/2008;

– Nghị định số 26/2011/NĐ – CP do Chính phủ ban hành “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ – CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Hoá chất” có hiệu lực từ ngày 01/06/2011;

-Thông tư số 28/2010/TT – BCT do Bộ Công thương ban hành “Quy định một số điều của Luật Hoá chất và Nghị định số 108/2008/NĐ – CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Hoá chất” có hiệu lực từ ngày 16/08/2010;

– Thông tư số 04/2016/TT – BCT do Bộ Công thương ban hành “Sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoá chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực” có hiệu lực từ ngày 20/07/2016;

– Thông tư số 170/2016/TT – BTC do Bộ Tài chính ban hành “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động hóa chất” có hiệu lực từ ngày 01/01/2017;

2. Điều kiện thực hiện

2.1.  Điều kiện chung

– Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.

– Cán bộ chuyên trách quản lý an toàn hóa chất được đào tạo hoặc huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất;

– Người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất của cơ sở sản xuất phải được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất;

–  Cơ sở vật chất – kỹ thuật trong cơ sở sản xuất hóa chất phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 12 của Luật Hóa chất;

– Có trang thiết bị phù hợp hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra hàm lượng và các thành phần hóa chất;

– Có Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại hoặc có hợp đồng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

2.2.  Điều kiện cụ thể

– Điều kiện về nhà xưởng, kho tàng

+ Địa điểm

a) Nhà xưởng, kho tàng phải được bố trí tại địa điểm phù hợp với các điều kiện về quy hoạch;

b) Vị trí đặt nhà xưởng sản xuất hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu thuận lợi về cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm và giao thông;

c) Không đặt nhà xưởng, kho chứa hóa chất sát khu dân cư. Đối với kho lưu trữ hóa chất trong nhà xưởng để phục vụ sản xuất phải chọn vị trí kho đảm bảo yêu cầu công nghệ bảo quản hóa chất. Kho lưu trữ hóa chất phải đặt ở vị trí bên ngoài nhà xưởng sản xuất;

d) Vị trí kho phải đảm bảo khoảng cách cho xe vận chuyển và xe chữa cháy ra vào dễ dàng;

+ Bố trí mặt bằng nhà xưởng, kho tàng

Quy hoạch mặt bằng nhà xưởng phải được đạt tiêu chuẩn thiết kế trên cơ sở Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành về điều kiện khí hậu, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn, phân vùng động đất, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động:

a) Mặt bằng nhà xưởng phải bố trí các hạng mục công trình hợp lý và có công năng rõ ràng;

b) Diện tích của nhà xưởng phải đáp ứng các quy định hiện hành để bố trí thiết bị sản xuất;

c) Nhà xưởng sản xuất được thiết kế đảm bảo các điều kiện môi trường làm việc trong nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió;

d) Hệ thống đường giao thông nội bộ phải được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn cho vận chuyển trong nhà xưởng và chữa cháy. Nhà xưởng phải có tường bao ngăn cách cơ sở với bên ngoài;

đ) Đối với các kho chứa hóa chất, việc thiết kế phải tuân thủ nguyên tắc an toàn về nguy cơ cháy hay đổ tràn là thấp nhất và phải bảo đảm tách riêng các chất có khả năng gây ra phản ứng hóa học với nhau;

e) Nhà kho được thiết kế tùy thuộc vào loại hóa chất cần được bảo quản, phân loại theo nguy cơ nổ, cháy nổ và cháy được quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995. Thiết kế cần tuân theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và các Tiêu chuẩn Việt Nam có liên quan. Ngoài những quy định chung về kết cấu công trình, thiết kế các kho hóa chất phải thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống cháy nổ, cụ thể như: tính chịu lửa; ngăn cách cháy; thoát hiểm; hệ thống báo cháy; hệ thống chữa cháy; phòng trực chống cháy.

+ Kết cấu và bố trí kiến trúc công trình

a) Các khu vực kín và rộng phải có lối thoát hiểm theo hai hướng. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng (bằng bảng hiệu, sơ đồ …) và được thiết kế thuận lợi trong trường hợp khẩn cấp. Cửa thoát hiểm phải dễ mở trong bóng tối hoặc trong lớp khói dày đặc;

b) Kho chứa phải được thông gió hở trên mái, trên tường bên dưới mái hoặc gần sàn nhà;

c) Sàn kho không thấm chất lỏng, bằng phẳng không trơn trượt và không có khe nứt để chứa nước rò rỉ, chất lỏng bị đổ tràn hay nước chữa cháy đã bị nhiễm bẩn hoặc tạo các gờ hay lề bao quanh;

d) Vật liệu xây dựng kho và vật liệu cách nhiệt phải là vật liệu không dễ bắt lửa và khung nhà phải được gia cố chắc chắn bằng bê tông hoặc thép.

– Điều kiện về trang thiết bị

+ Thiết bị sản xuất

a) Thiết bị sản xuất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành;

b) Phải có lịch bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ thiết bị sản xuất;

c) Phải kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị sản xuất và có hệ thống bảo vệ an toàn cho người sử dụng.

+ Các thiết bị, phương tiện an toàn

a) Lắp đặt các phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác tại vị trí cần thiết, không được phép lắp đặt tạm thời. Mọi trang thiết bị điện phải được nối đất và có bộ ngắt mạch khi rò điện, bảo vệ quá tải;

b) Phải sử dụng thiết bị chịu lửa đối với nơi lưu trữ dung môi có nhiệt độ bắt cháy thấp hoặc bụi hóa chất mịn;

c) Trang bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Hệ thống báo cháy, dập cháy phải được lắp tại vị trí thích hợp và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm ở trạng thái sẵn sàng sử dụng tốt.

+ Hệ thống xử lý khí thải và chất thải

a) Nhà xưởng, kho hóa chất không được thải vào không khí các chất độc hại, không gây tiếng ồn, các yếu tố có hại khác, không vượt mức quy định hiện hành về vệ sinh môi trường. Khí thải của nhà xưởng, kho hóa chất phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 19:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN 20:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ; QCVN 21:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học;

b) Nhà xưởng, kho hóa chất phải có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 07:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại; QCVN 24:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; QCVN 25:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lắp chất thải rắn;

c) Chất thải rắn của nhà xưởng, kho hóa chất phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Nhà xưởng, kho hóa chất phải có dụng cụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn ra khỏi khu vực sản xuất sau mỗi ca sản xuất; nơi chứa chất thải phải kín, cách biệt với khu sản xuất.

– Điều kiện về phương tiện vận chuyển và vận hành an toàn

+ Phương tiện vận chuyển hóa chất phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển và đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc phát tán hóa chất vào môi trường. Khi vận chuyển, không để lẫn các hóa chất có khả năng phản ứng hóa học với nhau gây nguy hiểm;

b) Các hóa chất phải được chứa trong bao bì phù hợp và vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng;

c) Có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa trên phương tiện vận chuyển. Nếu trên một phương tiện vận chuyển có nhiều loại hóa chất khác nhau thì phía ngoài phương tiện vận chuyển phải dán đầy đủ biểu trưng của từng loại hóa chất ở hai bên và phía sau phương tiện.

+ Vận hành an toàn tại kho hóa chất

a) Cơ sở sản xuất hóa chất, kho chứa hóa chất phải xây dựng Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

b) Cơ sở sản xuất hóa chất phải xây dựng bảng nội quy về an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó;

c) Việc vận hành tại kho hóa chất phải đảm bảo tính an toàn và vệ sinh kho nghiêm ngặt, tránh các nguy cơ có thể xảy ra như cháy, rò rỉ…;

d) Nhân viên phụ trách kho phải áp dụng các chỉ dẫn về Phiếu an toàn hóa chất của tất cả các hóa chất được lưu trữ và vận chuyển; các hướng dẫn về công tác an toàn, công tác vệ sinh; các hướng dẫn khi có sự cố;

đ) Bố trí hóa chất trong kho phải tách biệt chất nguy hại với khu vực có người ra vào thường xuyên; có khoảng trống giữa tường với các kiện hóa chất lưu trữ gần tường nhất và phải có lối đi lại bên trong thoáng gió, không cản trở thiết bị ứng cứu khi thực hiện việc kiểm tra và chữa cháy.

II. HỒ SƠ KHÁCH HÀNG CẦN CUNG CẤP

1. Tài liệu pháp lý

–  Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo mẫu)

–  Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

–  Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

–  Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo đề án hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo đề án do cơ quan có thẩm quyền cấp;

–  Bản sao văn bản thông báo với cơ quan cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về Phòng cháy và chữa cháy.

2.  Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

–  Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm

–  Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn (theo mẫu);

–  Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất.

3.  Tài liệu về điều kiện đối với người sản xuất

–  Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm (theo mẫu);

–  Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất hóa chất;

–  Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng trong bản kê khai nhân sự.

III. CÁC CÔNG VIỆC LUẬT VIỆT PHÚ THỰC HIỆN

– Tư vấn khách hàng trình tự, thủ tục, hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất hoá chất;

– Soạn thảo, chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất hoá chất;

– Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Tiến hành đại diện cho khách hàng làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Nhận và giao kết quả cấp Giấy phép sản xuất hoá chất.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Bộ Công Thương (Cục hóa chất) có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.