Thủ tục xin cấp phép điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

492

Nhằm giải đáp một số câu hỏi của bạn đọc về thủ tục liên quan đến kinh doanh điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng, Ban tư vấn đã biên tập bài viết sau đây để hướng dẫn thủ tục này. Mời các bạn đón xem!

Nếu như các bạn đang có nhu cầu mở một quán game, một phòng máy tính truy cập internet cho nhiều đối tượng với mục đích lợi nhuận, thì các bạn cần tìm hiểu thủ tục Đăng ký hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Dưới đây là những nội dung quan trọng cần lưu ý khi thực hiện thủ tục này.

1. Điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Đơn vị cung cấp dịch vụ cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
  • Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200 m trở lên;
  • Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh;
  • Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng: Tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2 tại các khu vực khác;
  • Bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy;
  • Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an.

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 02a/ĐĐN hoặc Mẫu số 02b/ĐĐN kèm theo Thông tư này;
  • Bản sao có chứng thực giấy đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
  • Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là cá nhân; Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của người quản lý trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là tổ chức, doanh nghiệp.

3. Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan cấp giấy chứng nhận là Sở Thông tin và Truyền thông hoặc UBND cấp huyện.

Bước 2: Cấp giấy chứng nhận

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Trường hợp từ chối, cơ quan cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cá nhân biết.

Như vậy, đơn vị cần chuẩn bị tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất trước khi nộp hồ sơ đăng ký. Vì lý do này mà các tổ chức, cá nhân cần xem xét khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định kỹ càng trước khi đầu tư, tránh mất thời gian và tiền bạc mà không hoạt động kinh doanh được.

4. Những lưu ý khi kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Để đơn vị kinh doanh hoạt động bình thường và tránh được các rắc rối pháp lý, chủ điểm kinh doanh phải lưu ý:

  • Chỉ cung cấp dịch vụ truy nhập Internet sau khi đã ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;
  • Phải có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử ở nơi mọi người dễ nhận biết, bao gồm các điều cấm và quyền, nghĩa vụ của người chơi theo quy định;
  • Có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi G1 đã được phê duyệt nội dung, kịch bản tại điểm cung cấp dịch vụ kèm theo phân loại trò chơi theo độ tuổi;
  • Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện các hành vi bị cấm;
  • Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet, trò chơi điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn.
  • Tuân thủ thời gian hoạt động điểm dịch vụ của địa phương, và đặc biệt không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau

Có thể thấy rằng hoạt động của các điểm dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có thể ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội, do đó Nhà nước có những quy định rất chi tiết về hoạt động này. Việc tuân thủ các quy định trên sẽ giúp các điểm dịch vụ này cấp được phương thức giao tiếp và giải trí lành mạnh cho mọi lứa tuổi.